Con bạn luôn là một thiên thần, nhưng đột nhiên bạn bắt đầu nhận thấy con mình bỗng hay lớn giọng và có thói cãi lại. Điều này không hẳn do trẻ hỗn láo mà có thể bởi trẻ chưa biết cách giao tiếp đúng. Và nhiệm vụ của cha mẹ lúc này là kịp thời uốn nắn hành vi của trẻ.
Việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh với con cái và duy trì sự tôn trọng trong gia đình vô cùng quan trọng. Dưới đây là các bước cực đơn giản mà mọi cha mẹ nên áp dụng khi con cãi lời. Thông qua các bước này, con sẽ học đươc cách tôn trọng và lịch sự với người lớn.
Khi trẻ cãi láo, bố mẹ không nên giận dữ, quát lại con
Bước 1: Tránh lớn tiếng với con
Đúng vậy, đôi khi rất khó để giữ bình tĩnh khi con lớn giọng cãi lại nhưng điều quan trọng là bố mej phải theo dõi ngôn ngữ của chính mình. Bố mẹ nên cố gắng trở thành tấm gương về cách thể hiện sự tôn trọng. Việc bố mẹ cũng lớn giọng có thể khiến bầu không khí thêm căng thẳng và càng kích động con hơn.
Bên cạnh đó bố mẹ cần có thái độ cứng rắn, nghiêm túc, chỉ rõ cho con thấy những từ ngữ nào là không được phép. Đừng sử dụng những câu như “đừng nói nữa”, “nín ngay” hoặc dùng tay chỉ vào mặt con. Khi nói chuyện, bố mẹ nên ngồi xuống ngang tầm mắt của con. Điều này sẽ giúp 2 bên dễ giao tiếp, hiểu nhau hơn.
Bước 2: Cố gắng hiểu vấn đề của con
Đừng bao giờ quên rằng con bạn vẫn đang học cách kiểm soát hành vi của mình và đôi khi chúng không biết cách đối phó với các vấn đề. Vì vậy, việc con tỏ ra thiếu kiên nhẫn là điều bình thường. Thông thường, một đứa trẻ cãi lời vì cảm thấy tức giận, thất vọng, tổn thương hoặc sợ hãi.
Chính vì vậy, bố mẹ cần dành thời gian lắng nghe và tìm hiểu các vấn đề của con. Hãy dành ra ít nhất 15 phút mỗi ngày để nghe con nói về những mong muốn, ước mơ và cả những điều không vừa lòng của mình. Một khi bố mẹ và con cái có sự thấu hiểu lẫn nhau thì tần suất mâu thuẫn cũng sẽ giảm.
Bước 3:Nói với con cha mẹ hiểu cảm giác đó
Các nhà tâm lý học gợi ý cha mẹ nên sử dụng những câu như: “Con nói với mẹ như vậy thì chắc chắn là con đang rất buồn rồi”, “Mẹ muốn nghe kỹ hơn về chuyện này, nhưng mẹ không thể nghe được điều gì khi cảm thấy mình bị tấn công”. Sau đó, hãy đề nghị trao đổi về vấn đề này khi cả hai đã bình tĩnh lại.
Bước 4: Chỉ ra hậu quả và mong đợi sự tôn trọng
Trẻ nhỏ cần được biết hành vi cãi lại là không đúng và sẽ đem lại nhiều hậu quả. Không chỉ lời nói mà ngay cả những cử chỉ như lườm, liếc mắt,… cũng không được phép. Và khi có thái độ không đúng, con sẽ phải nhận hình phạt. Chẳng hạn như không được xem tivi trong 1 tuần, không được ăn món yêu thích, bị cắt giảm thời gian chơi điện tử,…
Bước 5: Cho trẻ phát biểu ý kiến
Hãy nhớ rằng, thật tốt nếu trẻ em bày tỏ ý kiến về một điều gì đó. Nhưng chúng nên làm điều đó một cách thân thiện. Ngoài ra, chúng cũng nên nhận ra nơi an toàn để có thể chia sẻ. Tốt hơn hết, bố mẹ không nên ngăn cấm, cắt mạch suy nghĩ khi chúng đang cố gắng bày tỏ quan điểm.
Hãy lắng nghe và chú ý đến vấn đề của con, thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu, như vậy con cái sẽ không coi bạn là kẻ thù.
Bước 6: Cố gắng hiểu trong tình huống nào thì trẻ hay cãi lại
Không phải lúc nào trẻ cũng cãi lại bố mẹ, mà có thể phụ thuộc cả vào môi trường, tình huống. Cha mẹ hãy để ý đến những thời điểm và tình huống thường xuyên xảy ra việc này. Một số trẻ thường cãi lại bố mẹ sau khi đi học về – bởi đây là khoảng thời gian sẽ mệt mỏi sau 1 ngày dài học tập, hoặc ở trường mới xảy ra chuyện gì đó không vui.
Nắm rõ “thời khóa biểu cãi lại” của con có thể là chìa khoá để giải quyết một vấn đề lớn và tránh những hậu quả tồi tệ hơn trong tương lai.
Bước 7: Khen ngợi những hành vi tốt
Mọi người đều thích cảm thấy được đánh giá cao và con bạn cũng không ngoại lệ. Nếu bạn thấy rằng con bạn đã bắt đầu ngừng cãi lại và thể hiện sự biết ơn, bạn có thể ôm chúng, khen ngợi hoặc thậm chí là “cảm ơn”. Bên cạnh đó, bạn cần chắc chắn rằng trẻ nhận ra được vấn đề để không tái diễn và làm mình làm mẩy đòi hỏi bất cứ thứ gì chúng muốn trong tương lai.
Xem thêm
Vì sao trẻ ‘bám’ bố hơn mẹ hoặc ngược lại và cách giải quyết cho phụ huynh
10 kĩ năng chăm sóc trẻ sơ sinh chuẩn và đầy đủ nhất cho những người sắp làm mẹ
Bé trai 7 tháng tuổi nắm chặt tay, bà nội cứ nói rằng đó là điều bình thường, mẹ mang đi khám thì bác sĩ phải thốt lên: Đã quá muộn!
Các bậc cha mẹ thường quên dạy con những điều này trước năm 18 tuổi