Bệnh nhân phát bệnh lần đầu là trầm cảm, phát bệnh lần sau là hưng cảm (quá khích) và thường ở trong tình trạng loạn thần, có ảo giác, hoang tưởng.
Theo thống kê, trên thế giới có 0,15% phụ nữ sau sinh mắc loạn thần – trầm cảm sau sinh.
Người phụ nữ thường rơi vào trạng thái trầm cảm là khoảng 1 tuần sau sinh, với các biểu hiện như buồn rầu, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, dễ tủi thân, thích ở một mình… Nếu khi xuất hiện trạng thái này, người phụ nữ được sự quan tâm của người chồng, của những người thân thì sẽ sớm qua đi.
Ngược lại, khi các triệu chứng ngày càng nặng (được gọi là hội chứng ngày thứ 3 sau đẻ) thì người phụ nữ cảm thấy rất căng thẳng, bi quan, buồn chán, không ngủ được, lo âu nhiều, thậm chí xuất hiện ảo thanh trong đầu.
Những biểu hiện này nếu không cải thiện trong một tuần, bệnh trầm cảm của người phụ nữ sẽ tiến triển nặng gọi là loạn thần sau sinh. Đỉnh cao phát bệnh này là sau khi sinh từ 10 đến15 ngày, có thể kéo dài trong vòng 3 tháng.
Theo báo Tin tức, BS. Nguyễn Mạnh Hoàn, Bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho biết: “Trầm cảm sau sinh là một bệnh lý cảm xúc xảy ra sau khi sinh và thường kéo dài khoảng 6 tuần. Bệnh khởi phát từ từ hoặc có thể dai dẳng hoặc có khi lẫn vào các triệu chứng khác trong giai đoạn sinh đẻ. Thể nhẹ và trung bình của trầm cảm sau sinh đôi khi không được phát hiện hoặc không được chính các bà mẹ thừa nhận. Đặc biệt, ngay cả lần sinh con thứ hai rất có thể cũng bị trầm cảm giống như lần sinh thứ nhất.”.
Thông thường, bệnh nhân có các cảm giác thất bại, bất lực, tuyệt vọng; sợ ở một mình, sợ đi ra ngoài; thậm chí lẫn lộn, lo âu, hoảng sợ, sợ đứa trẻ, sợ mất đứa trẻ.
Bệnh nhân không còn thích thú trong các hoạt động thường ngày, mất ngủ nhiều, ngại giao tiếp, không có khả năng xử lý công việc hàng ngày.
Đồng thời, họ trở kém minh mẫn, kém tập trung chú ý, giảm trí nhớ; trốn tránh mọi thứ; thậm chí lo lắng về sự tổn hại hoặc cái chết của chồng, con; đặc biệt là có ý nghĩ về tự sát.
Nguyên nhân của bệnh trầm cảm sau sinh là do phải chịu áp lực từ nhiều phía.
Nguyên nhân có thể xuất phát từ phía gia đình. Tiền sử trong gia đình có người bị trầm cảm, các bệnh về tâm thần và thần kinh từ trước của bà mẹ.
Thiếu ngủ, ăn uống kém, sự khó khăn trong nuôi con, thiếu sự hỗ trợ của người thân, biến chứng do chửa đẻ… là những nguyên nhân dễ gây bệnh.
Khi người phụ nữ có thai và sinh đẻ bao giờ cũng đi kèm với sự thay đổi đột ngột các hooc môn trong cơ thể và sự thay đổi này đã tác động lên các cơ quan điều hoà cảm xúc.
Cùng với đó sự ra đời của đứa trẻ được coi như là một sự kiện tâm lý đặc biệt đối với hầu hết các bà mẹ trẻ. Việc thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, lo toan chăm sóc suốt 24/24 giờ, dường như quá sức, kiệt sức của bà mẹ trẻ. Kể cả ở những lần sinh sau cũng vẫn thường gặp phải.Đặc biệt, do những yếu tố stress cơ thể bao giờ cũng đi kèm với thiếu ngủ, không được nghỉ ngơi trong giai đoạn sau sinh.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngay từ khi mang thai và sau sinh, người chồng cần có sự quan tâm đối với người vợ về cả mặt kinh tế lẫn tâm lý, động viên, hỗ trợ tích cực để họ đỡ căng thẳng, bớt sang chấn về các quan hệ trong gia đình.
Các bà mẹ sau sinh cần thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học như: Tập thể dục, đảm bảo giấc ngủ, học cách thư giãn; tìm hiểu, nhận biết các dấu hiệu và sẵn sàng các phương pháp đối phó.
Nếu các dấu hiệu trầm cảm nặng, kéo dài, ảnh hưởng tới chăm sóc trẻ, sinh hoạt và các mối quan hệ, người mẹ cần phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp với các trường hợp bệnh lý khác nhau. Thường bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm kết hợp với các liệu pháp tâm lý như: Tư vấn tâm lý để người phụ nữ được hiểu biết, được cảm thông và nâng đỡ, không cảm thấy cô đơn; bổ sung Vitamin và khoáng chất, ăn uống bồi dưỡng, xoa bóp, bấm huyệt.
Theo nguoiduatin.vn
Tags: bệnh trầm cảm, trầm cảm sau sinh