Chẳng biết từ bao giờ cụm từ “… nhà người ta” lại được người người, nhà nhà đem ra ví von, so sánh và trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người. Không chỉ cha mẹ mà ngay cả những bà vợ cũng áp dụng thường xuyên để “dằn mặt chồng”. Việc kêu ca, so sánh bạn đời với người khác tưởng vô hại, nói vậy biết vậy, nhưng thực tế nó như những con sóng ngầm dẫn đến mâu thuẫn gia đình, thậm chí còn khiến cho nhiều cuộc hôn nhân liêu xiêu, tan vỡ…
Theo nhà thơ Lữ Mai, người phụ nữ nào cũng từng ít nhất một lần hoặc rất nhiều lần so sánh chồng mình với “chồng người ta”. Và có muôn vàn lý do được người vợ mang ra để so sánh: nào là tiền lương không bằng, hay chồng người ta đi làm về là biết giúp vợ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, trong khi anh thì lại “cứ cắm mặt vào điện thoại”, hoặc cũng có khi là tị nạnh “chồng người ta tặng quà sinh nhật cho vợ mà sao anh chẳng có gì vào ngày sinh của em”…
Việc chị em “thần tượng hóa chồng người ta” không hẳn là bởi chị em đã chán chồng, cũng chẳng phải vì vẫn còn tâm hồn mơ mộng viển vông thời thiếu nữ, mà do những thiếu hụt, mâu thuẫn trong đời sống của người phụ nữ đang chưa được giải quyết một cách thỏa đáng. “Chị em tìm kiếm sự tốt đẹp bên ngoài và coi đó là sự giải tỏa tâm lý, nói ra để đỡ bức xúc, nhưng thực ra trong sâu thẳm vẫn thương chồng, yêu chồng nhiều lắm. Và trên thực tế thì không phải “chồng người ta” không có nhược điểm gì, chỉ là những gì chúng ta thấy ở họ là cái vỏ bề ngoài, những điều họ muốn người khác nhìn thấy”, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.
Có lẽ mỗi người chúng ta hay có thói quen chưng ra những thứ tốt đẹp cho người lạ nhưng lại nặng nề với chính người thân quen. Rồi thì, “ăn trong bát, nhòm trong nồi”, lấy chồng thiên hạ để đo đếm chồng mình. Đó là cái dở nhất của phụ nữ. Những điều tốt của chồng thì cứ nghĩ đó là đương nhiên, chẳng hạn đương nhiên anh phải yêu chiều mình, phải lăn lộn kiếm tiền đưa cho mình mà không bao giờ hoặc rất ít khi nghĩ đó là cả sự cố gắng, là ưu điểm của chồng. Vậy nên, những chuẩn mực chị em đặt ra, thèm muốn và ảo tưởng thường rất mơ hồ.
Việc so sánh anh ấy với người đàn ông khác chính là sự tổn thương lớn nhất khiến tình cảm vợ chồng bị mài mòn theo thời gian. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nếu chỉ nhìn vào những biểu hiện bên ngoài của người khác mà vội than thân trách phận, chê bai chồng mình… thì chẳng những không cải thiện được tình hình mà còn làm cho mối quan hệ vợ chồng trở nên xấu hơn.
Thay vì chê bai, các cặp đôi hãy vun đắp, mỗi người tự biết cách điều chỉnh, hoàn thiện bản thân vì nhau. Có như vậy, hôn nhân mới viên mãn và bền chặt theo thời gian. Còn những chị em nào vẫn chưa hài lòng về chồng mình hay vẫn còn đang khó chịu điều gì đó thì hãy một lần nhìn lại chồng, chắc chắn sẽ thấy chồng mình có nhiều điều tốt chứ không phải chỉ toàn những điểm khó ưa.
Đặc biệt, hãy ngừng so sánh chồng mình với chồng người khác. Nếu chồng nhà người ta chưa bao giờ làm bạn thất vọng, thì hãy nhớ, chồng bạn cũng chưa bao giờ làm phụ nữ thiên hạ thất vọng đâu./.