Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, nếu không kịp thời điều trị có thể dẫn đến tử vong cho người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là nhiễm trùng cấp tính ở một thùy phổi phải hay trái hoặc toàn bộ phổi. Có rất nhiều loại vi sinh vật gây ra viêm phổi.
Phổi nhiễm bệnh làm tiết dịch và để lại các tế bào chết. Điều này làm tắc nghẽn các túi khí nhỏ li ti trong phổi và làm giảm trao đổi oxy. Nếu không có đủ oxy, cơ thể bạn không thể hoạt động bình thường.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm phổi?
Phân loại theo nguyên nhân, viêm phổi có ba loại chính:
• Viêm phổi do vi khuẩn: do vi khuẩn gây ra, tự phát triển hoặc sau khi bị cảm lạnh hoặc cúm nghiêm trọng.
• Viêm phổi do virus: có thể không nghiêm trọng và thường kéo dài trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, virus cúm có thể khiến viêm phổi trở nên nặng và gây tử vong. Phụ nữ mang thai hoặc bệnh nhân bị bệnh tim hay phổi nên cẩn thận với bệnh này.
• Viêm phổi do Mycoplasma: có các đặc điểm chung của cả virus và vi khuẩn, gây ra các trường hợp viêm phổi nhẹ.
Triệu chứng viêm phổi
Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, sức khỏe, tuổi tác của bạn mà người bệnh có những triệu chứng khác nhau và sẽ phát triển trong vài ngày. Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh, những túi khí sẽ chứa đầy dịch mủ, dẫn đến hàng loạt những triệu chứng khó chịu như sau:
• Đau ngực khi bạn thở hoặc ho
• Ho có đờm hoặc chất nhầy
• Mệt mỏi và chán ăn
• Sốt, vã mồ hôi và ớn lạnh
• Buồn nôn, nôn và tiêu chảy
• Hụt hơi
Đối với người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu còn có những thay đổi về nhận thức, tinh thần, nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới có trên 80% ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi bị viêm phổi trong những năm đầu đời, nhưng phụ huynh rất khó “nhận diện” được bệnh vì biểu hiện của chúng rất giống với cảm cúm thông thường như bú kém, bỏ bú, sốt trên 37 độ C hoặc hạ thân nhiệt, thở nhanh trên 60 lần một phút, khó thở… hoàn toàn không có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh nhiễm trùng.
Biến chứng của bệnh viêm phổi
Viêm phổi là bệnh có thể phòng ngừa được nhưng mỗi năm vẫn có hàng triệu trẻ em, người lớn tuổi tử vong.
Theo số liệu của các tổ chức về sức khỏe cộng đồng quốc tế, năm 2018 có hơn 800.000 trẻ đã chết do bệnh viêm phổi. Với trẻ dưới 5 tuổi tỷ lệ tử vong vì viêm phổi lên đến 15%. Cứ mỗi 39 giây thế giới có 1 em bé chết vì viêm phổi. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi.
Một số liệu từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ, cứ 20 người lớn tuổi viêm phổi thì có 1 người tử vong.
Đặc biệt, là viêm phổi cấp tính khả năng tiến triển trong thời gian ngắn và biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời cụ thể là:
• Áp xe tràn dịch hoặc tràn mủ màng phổi
• Suy hô hấp nặng
• Viêm màng ngoài tim
Do đó, bạn nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt nếu gặp bất kỳ biểu hiện nào dưới đây:
• Thân nhiệt tăng cao trong nhiều ngày, có thể đi kèm với dấu hiệu tay chân run rẩy
• Thở khó, thở nông, thở gấp hoặc hụt hơi
• Cảm thấy đau, tức ngực
• Ho có đờm hoặc ho ra máu
Phòng ngừa bệnh viêm phổi ra sao?
Để phòng ngừa viêm phổi, bác sĩ khuyên mọi người nên xây dựng lối sống lành mạnh, tập thói quen giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch, nhằm giảm thiểu rủi ro mắc bệnh viêm phổi. Ngoài ra bạn còn cần:
• Hạn chế đến những nơi có nhiều khói thuốc lá, bỏ thuốc lá..
• Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng có tác dụng diệt khuẩn, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, từ bên ngoài trở về nhà. Nếu có thể bạn nên mang theo chai nước rửa tay khô để sát khuẩn khi cần
• Tránh tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh truyền nhiễm
• Hoạt động và làm việc với cường độ vừa phải, chú trọng nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe
• Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, khoa học với những loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: rau xanh, trái cây, thịt, cá, trứng sữa.
Xem thêm
Ca sĩ Việt Quang qua đời ở tuổi 44 sau thời gian chống chọi bệnh viêm phổi
Game show cuối cùng Việt Quang tham gia trước khi qua đời
6 thứ tại nhà nên vứt bỏ sau một thời gian dài sử dụng, đừng trì hoãn bởi ảnh hưởng sức khỏe gia đình
Đối với những người sống lâu, bữa tối có ‘5 điều không nên ăn’. Nếu bạn không có tất cả những điều đó, thì rất đáng chúc mừng