Bánh chưng vuông muốn ngon ngoài sự khéo léo trong cách gói, bạn cũng nên biết một số bí quyết để bánh được xanh, dẻo ngon và để được lâu.
Có câu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Dù cuộc sống hiện đại có thay đổi nhiều so với trước nhưng bánh chưng vẫn là món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Gói bánh chưng không quá khó nhưng làm sao chiếc bánh được vuông vắn mà không cần khuôn, khi luộc được xanh, không vỡ nát thì đây là công thức và một số bí kíp bạn có thể tham khảo.
Nguyên liệu:
– Gạo nếp: Nên chọn loại gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy, to tròn. không nát vỡ.
– Đỗ xanh ruột vàng: Chọn loại mới thu hoạch, hạt mẩy.
– Thịt ba chỉ lợn hoặc thịt vai sấn.
– Lá dong: Chọn loại bánh tẻ không quá non hoặc quá già. Lá quá non rất dễ rách khi gói, bánh chưng không xanh và thơm. Ngược lại, sử dụng lá dong già rất giòn và cứng khó gói, khó định hình dáng bánh.
– Lạt buộc: Chọn lại chẻ từ ống giang, mỏng mềm, có độ dẻo cao.
– Gia vị: hạt nêm, nước mắm, muối, hạt tiêu,…
Nguyên liệu được chuẩn bị sẵn để gói bánh chưng vuông.
Sơ chế:
Lá dong gói bánh chưng phải được rửa thật sạch 2 mặt. Trước tiên, ngâm lá dong vào nước từ 30 – 45 phút. Sau đó, dùng khăn mềm lau nhẹ 2 mặt lá sao cho lá không bị rách. Lau lần lượt từng chiếc lá một cho đến khi hết số lá gói bánh. Dùng nước sạch tráng lại một lần nữa rồi đặt lá dòng ra nơi khô thoáng cho ráo nước.
Trước khi gói dùng khăn khô lau lại một lần nữa để lá khô nước hoàn toàn. Dùng dao gọt sống lá để lá mềm và dễ gói hơn. Cắt sống lá từ giữa lá trở về cuống, không nên gọt quá sâu làm rách lá dong.
Gạo nếp sàng kỹ, nhặt bỏ sạn và vỏ trấu rồi cho vào nước lã, vo sạch. Gạn bỏ các hạt gạo nổi vì những hạt này có thể bị mọt ăn rỗng bên trong. Ngâm gạo với nước sạch qua đêm, khoảng từ 6-8 tiếng. Vo sạch gạo, sau đó vớt ra để ráo nước rồi xóc muối trắng, trộn đều tay. Cứ 400gr gạo nếp tương ứng với 1 thìa cà phê muối trắng.
Bí quyết: Nếu muốn bánh xanh và thơm hơn, có thể dùng lá nếp xay nhỏ, lọc lấy nước cốt rồi đem ngâm cùng gạo nếp.
Tương tự như gạo nếp, đỗ xanh cũng đem vo sạch và ngâm trong 2 -3 tiếng cho nở đều. Ngâm trong nước ấm sẽ nhanh nở hơn. Nhặt bỏ hạt xấu và các tạp chất lẫn trong đỗ. Sau đó để ráo nước rồi đem xóc với một thìa muố.
Thịt ba chỉ rửa sạch rồi chia thành từng miếng lớn. Độ dày thịt khoảng 2 cm. Bản thịt rộng khoảng 4-5 cm. Đem thịt ướp với gia vị bao gồm mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu trước khi gói để thịt ngấm gia vị.
Lạt buộc nên ngâm qua nước cho dẻo để dễ gói bánh.
Cách gói bánh chưng không cần khuôn
Đầu tiên, chọn 2 lá có kích thước lớn xếp vuông góc với nhau. Mặt phải (mặt có màu xanh sậm) úp xuống dưới. Tiếp đến, chọn 2 lá dong khác đặt đè lên trên, cũng xếp vuông góc. Tuy nhiên với lượt lá này, bạn ngửa mặt phải lên trên.
Cho một bát con gạo vào chính giữa phần lá mới xếp. Đổ 1 muôi đỗ sống hoặc 1 nắm đỗ chín lên trên. Sau đó đặt 1- 2 miếng thịt đã được tẩm ướp lên. Lần lượt đổ đỗ xanh và gạo nếp lên trên để bao kín phần đỗ và thịt bên dưới.
Lần lượt gấp từng lớp lá dong hai bên phải và trái trước. Lưu ý thao tác gấp phải thật chắc tay và chặt. Như vậy bánh mới đẹp và không bị méo khi luộc. Với các mép lá thừa, bạn có thể cắt bỏ hoặc gấp giấu vào bên trong.
Để bánh không bị vỡ nát khi luộc thì khâu gói rất quan trọng: Thao tác gấp phải thật chắc tay và chặt.
Giữ nguyên ngón tay cái để giữ chặt các mép lá vừa gấp. Dùng hai ngón trỏ ấn 2 đầu của phần trên vào tạo thành 2 góc vuông. Gập phần lá thừa và tạo thành cạnh góc vuông của bánh. Thực hiện tương tự với đầu còn lại.
Dùng 4 chiếc lạt buộc bánh: 2 chiếc lạt buộc vuông, 2 lạt buộc dọc cách đều nhau. Phần lạt thừa bạn xoắn lại và cài gọn vào lạt buộc bánh. Ngoài ra để không bị lỏng tay trong quá trình gói bánh, cũng có thể xếp lạt sẵn từ đầu. Như vậy, bánh sẽ không bị rời và không bị xô lệch khi buộc lạt.
Nấu bánh:
Khi nấu bánh, dùng lá dư chèn dưới đáy nồi và xung quanh mặt trong của nồi là cách vừa bảo vệ bánh, giúp bánh không bị cháy, vừa giúp nước nấu bánh trở nên xanh hơn.
Nấu bánh trong khoảng 8 – 10 tiếng.
Khi nấu bánh được một nửa thời gian thì các bạn nên thay toàn bộ nước luộc bánh chưng, cho vào nước luộc mới, như vậy sẽ giúp bánh được ngon hơn và có màu xanh tự nhiên.
Bánh sau khi luộc xong các bạn để ra bàn rồi dùng mặt thớt hay tấm ván nặng đè lên để ép ra nước. Với cách này sẽ giúp cho bánh được chắc chắn hơn và để được lâu hơn sơ với bình thường.
Nguồn ảnh: Hương Liên, TH
Xem thêm
Cách nấu thịt đông từ chân giò kết hợp với thịt gà: Trong quá trình nấu đừng quên việc này để món ăn được trong và ngon
Làm dưa hành tím ăn Tết, không nên đun hỗn hợp ngâm mà chỉ pha giấm theo công thức này đảm bảo giòn ngon
Gợi ý 4 món ăn ngày đông siêu ngon lại nhiều dinh dưỡng, đảm bảo ai ăn cũng mê
Đồ xôi gấc ngon, lên màu đẹp chín đều tránh tình trạng dưới ướt trên khô, đây là mẹo nên biết