Các nhà làm phim cho rằng trong Luật Điện ảnh cần có thêm quy định về chức năng, thẩm quyền với Hội đồng thẩm định.
Vừa qua, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi thu hút sự quan tâm của các nhà làm phim Việt. Sau các cuộc hội thảo trực tuyến, giới làm phim đã có bản kiến nghị sửa đổi Luật Điện ảnh gửi Ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết ngoài những góp ý sửa đổi về việc kiểm duyệt phim, nội dung cấm, cấp phép, phổ biến phim, các nhà làm phim còn kiến nghị về quy định nguyên tắc hoạt động, thẩm quyền của thành viên Hội đồng thẩm định.
Quyền của Hội đồng thẩm định nên giới hạn
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đặt vấn đề: “Luật Điện ảnh cũng như các văn bản dưới luật hiện không có quy định rõ về các hành vi cấm với thành viên Hội đồng thẩm định mà chỉ có yêu cầu với các nhà làm phim. Vừa qua, vụ ồn ào của phim Người lắng nghe: Lời thì thầm đặt ra câu hỏi: giới hạn thẩm quyền, quy tắc làm việc của thành viên Hội đồng thẩm định. Khi va đập vào thực tế, nhà làm phim cảm thấy cần có thêm hành lang pháp lý về vấn đề này”.
Hình ảnh trong phim Lật mặt: 48h. Ảnh: CGV. |
Anh cho biết thêm trong kiến nghị, các nhà làm phim đã nêu ý kiến về thẩm quyền của Hội đồng thẩm định, bao gồm bảo mật thông tin nội dung phim và thành viên của hội đồng không được yêu cầu nhà làm phim chỉnh sửa, thay đổi nội dung phim.
“Chúng tôi cho rằng thẩm quyền của Hội đồng thẩm định chỉ là quyền phân loại phim thuộc loại nào. Trước đây, hội đồng thẩm định có thể làm mọi thứ, đề nghị sửa đổi theo ý mà họ muốn”, nam đạo diễn cho hay.
Ngoài ra, bản kiến nghị cũng nêu ý kiến cho rằng Hội đồng thẩm định phim cần công khai nhận định về việc vì sao lại không được cấp phép hay phân loại phim theo độ tuổi mà họ đã đưa ra. Các nhà làm phim cũng đề nghị có thêm các cơ chế khiếu nại, thẩm định lại cho những bộ phim không được cấp phép lần đầu.
“Một bộ phim cần số tiền lớn để sản xuất. Nhà làm phim có thể mất cả cơ nghiệp nếu tác phẩm có vấn đề. Vì vậy bộ phim cũng như nhà sản xuất cần có sự đối thoại với hội đồng thẩm định nếu có vướng mắc. Tòa án còn có 4 cấp xét xử, không thể một hội đồng mà có thể đưa ra phán quyết cuối cùng”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói.
Cần bảo mật thông tin khi phim chưa phát hành
Đồng quan điểm với Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn Khoa Nguyễn cho hay Luật Điện ảnh cũng như các văn bản dưới luật cần có thêm quy định về nguyên tắc làm việc, thẩm quyền cũng như các điều cấm với thành viên Hội đồng thẩm định.
Oanh Kiều trong phim Người lắng nghe: Lời thì thầm. Ảnh: BTC. |
Đạo diễn Khoa Nguyễn cho rằng theo Luật Sở hữu trí tuệ, một sản phẩm điện ảnh cũng như chủ sở hữu luôn được pháp luật bảo hộ. Anh nói: “Người chủ sở hữu mới có quyền công bố nội dung, thông tin về phim. Việc người khác, kể cả thành viên Hội đồng thẩm định đưa thông tin khi tác phẩm chưa phát hành sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch PR, phát hành của nhà sản xuất”.
“Một bộ phim nếu chưa được công chiếu, nhà sản xuất chưa chủ động đưa ra nội dung thì hội đồng thẩm định cũng cần phải bảo mật thông tin. Có những thông tin phim nếu bị tiết lộ từ trước thì gần như tác phẩm không còn lôi cuốn, bất ngờ với khán giả nữa”, anh cho biết thêm.
Đạo diễn phim Người lắng nghe: Lời thì thầm kiến nghị Luật Điện ảnh cũng như văn bản dưới luật cần có quy định rõ ràng hơn về vai trò, nghĩa vụ và thẩm quyền với thành viên hội đồng kiểm duyệt phim.
“Quy định cụ thể về thẩm quyền của thành viên Hội đồng thẩm định không chỉ giúp nhà làm phim bảo vệ tác phẩm của mình, tránh trường hợp đáng tiếc như Người lắng nghe: Lời thì thầm mà còn khiến thành viên Hội đồng kiểm duyệt làm việc dễ dàng hơn. Cả hai điều này đều tốt cho ngành điện ảnh”, anh nhấn mạnh.
Tương tự, nhà sản xuất Trinh Hoan và đạo diễn Võ Thanh Hòa nói với Zing ủng hộ việc Luật Điện ảnh có quy định cụ thể về thẩm quyền của thành viên hội đồng duyệt phim.
Họ cho rằng mỗi bộ phim cần được bảo vệ như đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Việc tiết lộ nội dung phim trước khi phim phát sóng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, sự thu hút của khán giả về phim.
Ngày trở lại trường quay của nghệ sĩ ViệtQuyền Linh và nhiều nghệ sĩ có cảm xúc khác nhau khi bắt đầu công việc ở trạng thái bình thường mới. |
Luật điện ảnh
Thẩm định phim