Rang cơm vô cùng đơn giản, nhưng làm sao để món này chạm tới ‘vị giác’ thì đây là bí quyết

Rang cơm vô cùng đơn giản, nhưng làm sao để món này chạm tới ‘vị giác’ thì đây là bí quyết

Cơm rang ngon có màu vàng bóng đẹp mắt, độ giòn nhất định nhưng vẫn mềm ở bên trong khi nhai, các nguyên liệu hòa hợp từ rau củ đến gia vị, người thưởng thức chỉ muốn ‘ăn mãi không thôi’.

Cơm rang không còn quá xa lạ với nhiều người. Cơm rang hay còn gọi là cơm chiên, là món ăn rất phổ biến trong ẩm thực Á Đông. Ban đầu món ăn này chỉ đơn giản là sự tận dụng các món ăn còn thừa lại từ bữa trước, cơm nguội với dầu mỡ được đem chiên cùng những thức ăn khác như thịt, trứng, rau củ trên một chiếc chảo rộng. Nhưng sau đó món này được biến tấu với cách làm đa dạng và thành phần cũng phong phú hơn.

Nhắc đến cơm rang, ai cũng nghĩ rằng nó là một món ăn đơn giản và dễ làm. Nhưng để chế biến được món “cơm rang ngon đích thực” thì cần có mẹo riêng. Hãy cùng tham khảo bí quyết của một bà nội trợ dưới đây:

Rang cơm, cơm rang, món ngon

Muốn cơm rang ngon cũng cần có bí quyết.

– Đầu tiên cũng là yếu tố quan trọng nhất là cơm (nguyên liệu chính) phải được nấu từ gạo ngon, sau khi nấu thì chín đều, không quá ướt cũng không quá khô, có độ dẻo nhất định. Khi cơm đã chín, múc ra, dùng thìa đánh tơi hạt cơm rồi để nguội.

Mẹo nhỏ: Muốn cơm nguội nhanh nên xới cơm nóng ra khay, trải đều rồi hong trước gió cho nguột bớt, bọc màng thực phẩm cất vào trong tủ lạnh khoảng hai tiếng, nhiệt độ lạnh sẽ giúp hạt cơm khô lại. Sau đó, đánh tan lòng đỏ trứng gà với chút muối, rưới lên cơm và trộn đều. Trên nền cơm trứng này, chúng ta có thể chế biến nhiều món cơm rang khác nhau, nhưng đảm bảo cơm rang sẽ rất tơi và giòn.

– Khi rang nên dùng mức lửa to. Ở gia đình thì không có bếp công nghiệp như ngoài hàng, chính vì thế nhiệt sẽ hạn chế nhưng chúng ta cũng không cần đến độ lửa lan vào trong lòng chảo như các đầu bếp thường làm, mà chỉ cần bật bếp ở mức cao nhất, đợi cho chảo thật nóng già, múc một chút dầu, láng đều bề mặt chảo.

Rang cơm, cơm rang, món ngon

Cơm rang dưa bò.

– Lượng dầu dùng để rang cơm không cần nhiều, chỉ đủ để khiến bề mặt chảo trông “láng bóng”, sau đó chúng ta nhanh tay đổ cơm vào chảo, di chuyển cơm nhẹ nhàng, cho đến khi hạt cơm săn và bóng là được.

– Việc chọn chảo để rang cơm tốt nhất nên chọn chảo gang, chảo đá thật dày, như thế cơm sẽ được giữ nhiệt ở mức tốt nhất, giúp hạt cơm khô và giòn.

– Nguyên liệu nên kết hợp với cơm chiên là giò, chả, lạp xưởng và một số loại rau củ như: dưa chua, cà rốt, đậu hoà lan, ngô, hành lá… Các loại nguyên liệu này đều cần được sơ chế riêng trước đó, chỉ cho vào sau khi cơm trứng chiên đã vàng. Đồng thời, các nguyên liệu này nên thái hạt lựu, không những trông cơm sẽ đẹp hơn mà còn giúp cơm khi rang không bị lổn nhổn, nửa sống, nửa chín. Các loại rau củ như cà rốt, đậu hoà lan hay ngô cần được luộc sơ qua, khi cơm rang đã săn thì cho vào, đảo nhanh trong vòng hai phút để giữ màu sắc là được. Riêng hành lá, chúng ta chỉ nên cho vào cuối cùng để hoàn thành.

Rang cơm, cơm rang, món ngon

Cơm rang thập cẩm.

– Một điều khác nữa là sự kết hợp các loại gia vị để bản hòa tấu cơm rang được hoàn chỉnh. Có nhiều người thích dùng muối, có người thích dùng bột nêm, có người dùng nước mắm, nhưng mẹ đảm dưới đây thấy cơm rang ngon nhất là dùng xì dầu và chút xíu bột canh. Bởi lẽ, xì dầu rất dễ kết hợp các nguyên liệu khác nhau từ hải sản cho đến thịt bò, thịt gà, thịt nguội… giúp món ăn có vị thơm đặc trưng và màu sắc đẹp. Để dung hòa cho vị mặn, mình thường dùng chút đường nâu thay vì bột ngọt. Khi cơm rang đã chín thì nhanh tay rắc chút hạt tiêu cho thơm.

Rang cơm, cơm rang, món ngon

Cơm rang trái dứa.

– Với món cơm rang hải sản, bạn có thể dùng thêm dầu hào, nhưng đừng cho quá nhiều – nếu bạn không muốn cơm bị nát.

– Một bí quyết nhỏ nữa là chúng ta hãy dùng thịt nướng cho món cơm rang thập cẩm giúp món ăn hấp dẫn hơn.

– Với cơm rang dưa bò, hãy dùng nhiều phần bẹ dưa hơn để giữ vị giòn và dưa càng chua thì rang cơm càng ngon. Tùy theo khẩu vị của bạn mà rang cơm đến độ giòn hoặc chỉ cần hơi săn và bóng cho phù hợp.

Nguồn ảnh: Hoa Quỳnh

Thủy Chi (Theo Công lý & xã hội)